Năm đó tôi chưa tròn 20 tuổi.
Tôi có một người yêu, như ly rượu đầu đời cháy bỏng tâm can. Mãi mãi không quên được cảm giác đó.
Thật sự là không thể quên.
Tất nhiên, những lúc yêu người khác thì mối tình cũ phải chịu lùi xuống, hay đúng hơn là tôi chạy xa nó ra. Nhưng nó chẳng bao giờ quá tầm tay với. Bất kể khi nào cần được an ủi vỗ về, tôi chỉ cần quơ tay thật nhẹ, mọi thứ lại sống động rực rỡ. Là cái vẻ rực rỡ của tuổi mười bảy, của cái thời chúng tôi chưa hề biết đến mùi bi kịch. Chỉ sau cuộc tình đó, tôi mới tập quen soạn trước bi kịch cho mình, đắm đuối vì bi kịch. Nghiện bi kịch.
Cậu ấy thích Nirvana.
Cậu ấy nói mơ hồ về một cái chết năm 27 tuổi, như anh chàng Kurt Cobain. Cậu ấy nói để dọa tôi. Không ai ở tuổi 17 lại ấn định trước cho mình cái chết của mười năm sau cả. Và người ta càng không muốn chết khi người ta đang yêu. Vì thế tôi chẳng sợ. Nếu một lúc nào đó cậu ấy vĩnh viễn rời khỏi cuộc sống này, tôi cũng chắc chắn rằng không phải đó là ý nguyện của cậu ấy: muốn cướp đoạt quyền sinh sát từ thượng đế. Cậu ấy không bao giờ là loại người khinh miệt cuộc sống, càng không phải loại tài hoa kiệt xuất. Cậu ấy bình thường, đôi lúc hay nói quá lên, đôi lúc cũng lừa dối, đôi lúc quên tôi, nhưng chưa bao giờ để tôi quên mất cậu ấy.
Nhưng tôi nhớ hay tôi quên, thì có để làm gì?
Chúng tôi đều đã đi qua tuổi 27.
Chuyện này bắt đầu khi tôi chưa đến tuổi 20. Không liên quan đến tình yêu. Chỉ là một lần trong đời tôi từng trải qua sự kiện đó, hiện giờ tôi lại nhớ. Vì tôi nhớ đến bài hát come as you are của nirvana nên tôi viện dẫn bằng tình yêu của mình.
Đó là công việc thứ ba hoặc thứ tư mà tôi kiếm được trong một năm đầu ở Paris. Cũng có thể là việc đầu tiên, tôi không chắc nữa. 10 năm rồi.
Ai đó giới thiệu cho tôi, không nhớ nổi là ai nữa. Một tuần hai hoặc ba ngày, tôi đến chăm sóc một bà già. Bà đã gần hoặc hơn 90 tuổi, tôi sắp sửa 20.
Tôi nhớ là căn hộ nằm trên một tầng rất rất cao của một tòa nhà ở quận 13. Nhưng tôi không nhớ nữa nó là tòa nhà nào. Giờ tôi cũng ở quận 13, có thể tôi lại đang ở chính tòa nhà đó.
Tôi quên quá nhiều thứ.
Người thuê tôi đến là con trai bà cụ. Năm đó bác cũng tầm 70 tuổi rồi: hom hem, lặng lẽ như một cái cây khô giữa mùa đông. Bác dặn tôi những việc cần làm: chuyện trò với bà, bóp chân tay cho bà, rửa ráy cho bà, cuối chiều đưa bà đi dạo.
Tôi chưa bao giờ chăm sóc một ai. Bản thân mình còn không chăm nổi mình. Nhưng tôi nhận việc với hi vọng kiếm chác chút đỉnh.
Căn nhà không lớn quá. Phòng khách rộng và xám trắng, rèm cửa sổ màu xám, trời ngoài kia cũng xám. Đến nỗi tôi cảm thấy không khí trong phòng cũng một màu xám lỏng. Con trai bà sau khi căn dặn với tôi xong thì rút lui vào một phòng khác, tôi không được thấy nhưng có cảm giác nó đầy bóng tối. Nhà không một tiếng động. Bà cụ nằm trên giường ở phòng khách, chìm nghỉm trong màu xám đục. Bà cụ chẳng nói gì. Tôi nhìn quanh và ngồi xuống cạnh bà, trên một cái ghế nhỏ kê sát giường.
Da bà nhăn và khô như vỏ cây, chi chít những vết đồi mồi, gầy guộc. Mắt bà nhắm hờ hờ. Tôi có cảm tưởng như bà đã chết. Nếu thỉnh thoảng bà không ớ lên một tiếng thì tôi nghĩ là bà chết, còn tôi ngồi canh xác chết.
Có lẽ con trai bà cũng đang quan sát tôi đằng sau bức tường ngăn cách hai phòng. Tôi đoán là bác đang nghe ngóng. Tôi đánh bạo cầm tay bà. Tôi ít khi cầm tay ai, rất ít. Tôi nói những câu rờ rờ rận rận để bà tỉnh dậy. Bà cứ mê man, ư ử. Tôi cứ nói nhăng cuội như nói với một đứa trẻ con chưa hề hiểu được tiếng người.
Đột nhiên bà cụ tỉnh như sáo. Bà gọi tôi là cô, bà không ú ớ nữa mà nói rành rọt. Bà ngóc đầu dậy và mái tóc bạc xơ xác bung ra. Mắt bà linh hoạt hơn, làm tôi tự nhiên thấy rờn rợn. Nhất là khi xung quanh tôi trầm đục một màu xám. Bà hỏi tôi thấy cái ảnh ở trên tủ phía đối diện chiếc giường không. Có một khung ảnh trên chiếc tủ thật, tôi chưa nhìn kĩ từ lúc nãy đến giờ. Một người đàn ông mỉm cười trong khung ảnh, dưới hai màu chuẩn mực đen trắng. Ai thế ạ? Chồng tôi đấy!
Tôi nhìn bức ảnh, xong quay lại nhìn bà. Tôi nghĩ mình nhìn thấy cái gì như nỗi chết.
Đôi mắt bà cụ đăm đắm nhìn ông cụ ( rất đỗi thanh niên) trong ảnh. Bà kể liên thiên chuyện nọ xọ chuyện kia, tôi không thể hiểu rõ từng chi tiết, nhưng tôi biết bà đang hồi tưởng mạnh mẽ về tình yêu. Hay tình bạn đời, đại loại thế. Trí nhớ của bà có thể đã suy cạn, nhưng cảm giác nhớ vẫn còn. Chính cảm giác lấy khiến bà như lên đồng, mỗi khi nhìn thấy tấm ảnh người yêu. Bà vẫn kể mãi, kể đi kể lại. Chốc chốc bà hỏi tôi có biết ai kia không? Sau nhiều lần nói có ạ, đấy là chồng bà. Tôi chuyển sang nói không ạ, ai thế bà? Tôi có nói như nào thì câu chuyện vẫn lặp lại, ánh mắt ấy vẫn nồng nàn không suy suyển. Tôi, ngồi đó không phải với tư cách là một người nghe kể chuyện. Không. Bà nói với tấm ảnh, với lòng bà, với cuộc đời bà, với cái chết cận kề.
Yêu có lẽ chỉ là một cảm giác.
Nhưng dành cả cuộc đời để nghĩ về ai đó thì không chỉ là yêu nữa. Đó là khắc cốt ghi tâm.
Tôi ngắt lời bà cụ. Tôi chán nghe mãi một câu chuyện. Tôi đề nghị sẽ hát cho bà nghe. Và tôi hát come as you are theo kiểu Kurt với cái giọng khàn khàn lè nhè. Trong vô số bài tôi thuộc có chừng mực, thì đấy là bài bà cụ thích nhất. Bà không nói nhưng tôi biết bà phấn chấn với giai điệu ấy. Bà bảo tôi hát tiếp hát tiếp đi.
Để bà không tiếp tục kể câu chuyện mòn mỏi kia, tôi hát như một con ngớ ngẩn.
Và tôi nhớ người yêu.
Lúc nào tôi cũng nhớ anh. Nhiều đến mức ngớ ngẩn. Đến mức chuyện gì tôi cũng có thể đưa về chuyện của chúng tôi.
Mấy hôm nay tôi nhớ lại được rằng, chỗ ngày xưa bà cụ ở thuộc ngoại ô, phải đi đến cuối đường 7. Khu đó không còn là quận 13 nữa.
Nhưng tất cả vẫn là một màu đùng đục, tất cả vẫn làm nền cho một bà cụ tóc bay lơ phơ nói nói cười cười khóc khóc và rất đỗi thương nhớ người yêu.
Giữa buồi chiều tôi phải cho bà ăn nhẹ. Sữa chua hoặc đồ hoa quả nghiền nát. Một tiếng sau thì đưa bà vào nhà tắm làm vệ sinh. Tôi nhớ đợt ông ngoại ốm nặng sắp chết, dì và mẹ thay nhau chăm ông. Lúc đó ông như đứa trẻ, không ý thức được gì nữa. Ỉa đái cũng không thể tự làm nổi. Dì tôi bế ông vào nhà tắm, rửa ráy cho ông những ngày cuối cùng. Chẳng biết dì có khóc?
Chẳng biết người già đến tuổi ấy có thấy hổ thẹn với bản thân mình, bất lực tới mức đại tiểu tiện cũng không thể kiểm soát nổi?
Hai ngày đầu tiên chăm bà lão, tôi thấm nặng nề nỗi ủ dột khi ở cạnh một người già. Tôi sợ màu đơn sắc trôi lừng lững xung quanh. Tôi sợ cái im lìm của ngôi nhà trên cao ngất ngưởng. Tôi sợ phải nghe mãi một câu chuyện và hát như con điên một bài hát chẳng liên quan. Come as you are...
Bà cụ chắc chắn đã chết. Tôi không quay trở lại đó thêm một lần nào khi tôi quyết định bỏ việc vì cảm thấy bị nhấn chìm trong tịch lặng. Lúc đó bà đã quá, quá già. Tôi còn quá trẻ để thấu hiểu và cảm thông. Ông con trai bà cũng không thiết tha giữ tôi lại, đúng hơn là buổi chiều cuối cùng, ông trả tiền cho tôi và nói tôi không cần phải đến nữa.
Buổi chiều đó tôi đã suýt giết chết bà cụ.
Buổi chiều cuối cùng, tôi đưa bà đi dạo trong vườn. Tôi không thích, bà cũng không thích. Nhưng chúng tôi buộc phải làm thế, vì bà cần phải hít thở không khí mới và cử động chân tay. Chiều hôm đó trời rất xấu. Rất xám. Rất gió. Khi chúng tôi ra khỏi thang máy, tôi ngửi thấy mùi ấm nồng của đất. Khu vườn không lớn, những lối đi nghèo nàn bao quanh tòa nhà, những bụi cây và bụi hoa tẻ nhạt. Bà cụ vịn lấy tay tôi lê từng bước khó nhọc. Mỗi bước của bà tôi cảm tưởng như đó là một nỗ lực phi thường của trí não đang ra lệnh cho từng khớp xương, búi cơ hoạt động. Mỗi bước là một kì công khiến tim tôi muốn nhảy ra ngoài. Tôi không mừng, tôi sợ. Vì gió thổi rào rào. Chúng tôi đi giữa trời đông, giữa những bụi cây ngu ngốc, như những người ngu ngốc. Tôi nhủ thầm, chỉ cần bà cụ đi hết một vòng sân, thế là thỏa mãn rồi.
Trời bắt đầu lây rây xuống những hạt mưa nhỏ bé. Bà cụ bỗng níu tay tôi bảo, cô ơi, tôi muốn đái. Tôi buồn đái. Mặt bà méo xệch đi, bà van lơn. Tôi nói, cháu đưa bà lên nhà, trời mưa rồi. Bà cụ vẫn níu chặt tay tôi, bà sắp khóc, tôi buồn đái lắm. Người bà đổ sụp xuống, tay bà lẩy bẩy tụt quần. Tôi chẳng biết làm gì được nữa. Tôi bất lực trước sự bất lực của bà. Tôi đồng lõa với sự mạo hiểm của bà. Bà cụ tóc xõa trong cơn mưa, ngồi xổm bên một bụi cây. Tôi đứng trông bà và láo liên chung quanh. Chẳng bao giờ tôi quên được cảnh đó. Chẳng bao giờ tôi quên được bà khóc như thế nào khi tôi kéo bà đứng lên. Bà hét, bà đau, bà làm tôi nghĩ rằng tôi đang giết bà như bẻ một cành cây khô.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire