Đầu năm mới thử dịch một bài. Sau này có về Sài Gòn, hãy nhớ đến lớp học của Bùi Văn Nam Sơn.
./.
Camus có phải là một triết gia?
Bài của Roger-Pol Droit, đăng trên báo Le Point.
Đã từng bị trí thức coi khinh, cánh tả rẻ rúng, cánh hữu bỏ rơi, Camus đơn thương độc mã suốt cả một thời kỳ. Thế nhưng ngày nay người ta đồng loạt tụng ca ông: một nhà văn thiên tài, một nhà văn dấn thân không do dự, một nhà báo tầm cỡ, một nhà soạn kịch tài ba, một nhà thơ... Dẫu chỉ được an táng tại nghĩa trang Lourmarin nhưng, kể từ bây giờ ông được " thờ phụng" trong điện Panthéon.
Tuy thế, hãy còn một điểm chưa sáng tỏ: liệu ta có thể xếp Camus vào hàng ngũ các triết gia?
Phía những luận điểm ủng hộ, thấy có: các chủ đề lớn được nêu qua các tập phê bình của ông - sự phi lý của thân phận con người trong "Huyền thoại Sisyphe" (1942), cáo buộc những phục tùng cách mạng trong "Kẻ nổi loạn"(1957), sự hiện hữu của hai vấn đề đối lập trong khắp sáng tác của ông với, một bên là nhận định về thế giới vô vọng, một bên là ý chí phản kháng chống lại tất cả.
Phía những luận điểm phản đối, gồm có: con người đầy suy tư này không phải là bậc thầy ý niệm. Mặt khác, chính ông đã tự họa rằng: "Tôi không phải là triết gia và tôi chưa bao giờ có tham vọng đó". Hay, " Tại sao tôi là một nghệ sỹ mà không phải một triết gia? Bởi tôi tư duy theo ngôn ngữ chứ không theo tư tưởng".
Thật sai lầm nếu tin rằng vấn đề chỉ có thế. Bởi chính Camus đã đảo lộn ý nghĩa của những khẳng định và làm cho mọi thứ rối tung lên. Dưới con mắt của ông, viết tiểu thuyết chẳng kém phần triết lý so với phân tích lý thuyết. Trái lại, "chúng ta chỉ tư duy bằng hình tượng. Nếu muốn trở thành triết gia, hãy viết tiểu thuyết". Và hơn nữa "Những tình cảm, những hình ảnh sẽ khuếch trương tính triết lý lên gấp mười lần". Sẽ thật hồ đồ nếu nhận định rằng ông quá đơn giản. Không phải là một nhà lý luận, không sở hữu hệ thống hay biệt ngữ trong tiên liệu, đi từ sân khấu sang báo chí từ tiểu thuyết tới phê bình, đó hẳn là một phương cách lạ lùng để trở thành triết gia trong một thời kỳ đầy thử thách và bất lực.
Thế nhưng Camus không hề võ đoán. Mối quan tâm của ông hiển nhiên chẳng phải là xây dựng một hệ thống lý luận chặt chẽ song, đường đi đã được vạch sẵn dựa trên sự nắm bắt những vấn đề cốt lõi - vốn được biết đến nhưng chưa được hiểu sâu sắc - mở đầu bằng sự phi lý. Nếu khái niệm này cấu thành nền tảng, phông cảnh bất biến mà trên đó Camus diễn giải tư duy của mình, thì người ta thường quên không nhấn mạnh đến phương cách ông đã làm mới và tầm vóc của khái niệm đó. Ông không dừng lại ở nhận định rằng thế giới này hỗn độn, phi nghĩa lý. Ông đi sâu hơn trong Huyền thoại Sisyphe, rằng "sự phi lý nảy sinh từ đối chọi giữa tiếng gọi của con người và câm lặng vô lý của thế giới". Vì thế cần phải cùng làm rõ khát vọng hiểu biết vốn xoáy sâu nỗi cô đơn nơi con người và sự mất dấu dai dẳng của những câu trả lời. Rốt cục, những thứ ngoài tầm thấu hiểu của con người vốn thật điên rồ: sự ngự trị của tội ác, sự bất hiện hữu của tiến bộ, và hạn định của cái chết.
P/s: học theo ng tiền nhiệm Jacques Chirac, Nicolas Sarkozy dùng chiêu bài đưa các tên tuổi lớn vào điện Panthéon ngay trước kỳ tái tranh cử tổng thống - Camus là một trường hợp gây tranh cãi. Bởi vì ông là nhà văn ngoại ( gốc Algérie ), ông không hề bênh vực, hay đề cao dân tộc mình trong các tác phẩm chính. Cái này sẽ tìm hiểu sau.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire